Quản lý dự án đầu tư xây dựng là tổng hợp từ chuỗi quản lý các hoạt động xây dựng nhằm mục tiêu quản lý quá trình thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo mục tiêu khả thi, hiệu quả đầu tư. Quá trình này được hình thành từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến thực hiện đầu tư xây dựng cho tới khi bàn giao đưa công trình xây dựng vào vận hành, khai thác sử dụng. Tùy theo loại, nhóm quy mô, nguồn vốn sử dụng dự án, loại cấp công trình xây dựng của dự án, phương thức thực hiện dự án thì hoạt động quản lý dự án cũng có những yêu cầu khác nhau về trình tự, thủ tục, hình thức quản lý, vai trò tham gia của các chủ thể liên quan…Kiến thức về quản lý dự án được tổng hợp từ kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn trong quản lý dự án. Các kiến thức này luôn được bổ sung, hoàn thiện, cập nhật mới đồng thời với phát triển của hoạt động đầu tư xây dựng, khoa học công nghệ liên quan, mức độ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Khoản 1 Điều 66 Luật Xây dựng có quy định: Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó các chủ thể có liên quan quá trình triển khai thực hiện dự án như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu xây dựng đều phải có kiến thức cần thiết và phối hợp thống nhất để cùng quản lý thành công các hoạt động xây dựng diễn ra trong quá trình đầu tư xây dựng của dự án.
Kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn về quản lý dự án đầu tư xây dựng có sự giao thoa, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, với thực tế hiện nay của nước ta thì thì việc cập nhật kịp thời, trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi chủ thể có liên quan tới dự án, đặc biệt là chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Mục tiêu của Chương trình này nhằm tập trung vào bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đồng thời cũng góp phần nâng cao kiến thức năng lực chuyên môn về quản lý dự án. Trên cơ sở phân tích làm rõ các quy định hiện hành của pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng, tư vấn xây dựng, hiểu rõ quy định của pháp luật cũng như những lưu ý của pháp luật để chủ động xử lý đúng các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tế quản lý tổ chức thực hiện dự án.
- Phương thức tổ chức: Đào tạo thông qua hình thức trực tuyến với đồng thời nhiều tổ chức, cá nhân hoặc trực tiếp tại các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Chú trọng hình thức tương tác, trao đổi hai chiều. Căn cứ các yêu cầu từ học viên, đặc biệt các vấn đề vướng mắc thực tế khi thực thi quy định pháp luật làm cơ sở bổ sung nội dung truyền đạt, bồi dưỡng kiến thức; chú trọng hỏi đáp các vấn đề dặt ra. Mặt khác. tùy thuộc vào lĩnh vực, đặc thù hoạt động của các đơn vị và yêu cầu của các dự án để mở rộng, phát triển chương trình chung thành các chuyên đề chuyên sâu phù hợp với nhu cầu và đặc điểm thực tế của các đơn vị.
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT CHƯƠNG TRÌNH
Chuyên đề 1. Tổng quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Trách nhiệm chung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và các vấn đề chung có liên quan;
2. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án;
3. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật;
4. Lập, thẩm định, phê duyệt khảo sát, thiết kế xây dựng;
5. Quản lý dự án, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng;
6. Yêu cầu về Giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, bàn giao đưa công trình vào sử dụng;
7. Quy định về xử phạt hành chính xây dựng có liên quan.
Chuyên đề 2. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước;
2. Xác định và Quản lý sơ bộ tổng mức đầu tư và tổng mức đầu tư xây dựng;
3. Xác định và Quản lý dự toán xây dựng công trình; dự toán gói thầu, giá gói thầu xây dựng;
4. Quản lý định mức xây dựng; giá, chỉ số giá xây dựng;
5. Quản lý chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí khác;
6. Thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng;
Chuyên đề 3. Quản lý hợp đồng xây dựng
1. Quy định chung, tính pháp lý, bảo đảm thanh toán, bảo đảm thực hiện;
2. Loại hợp đồng xây dựng; xác định phạm vi nội dung công việc hợp đồng;
3. Quản lý chất lượng; nghiệm thu, bàn giao;
4. Thời gian, quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng;
5. Giá hợp đồng, tạm ứng, thanh, quyết toán hợp đồng;
6. Điều chỉnh và quản lý điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng;
7. Quản lý an toàn, môi trường, phòng chống cháy nổ;
9. Thưởng, phạt, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
10. Tạm ngừng, chấm dứt;
11. Rủi ro, bất khả kháng, giải quyết tranh chấp hợp đồng;
12. Quản lý thầu phụ;
Chuyên đề 4. Quản lý chất lượng công trình
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước, quy định chung;
2. Quản lý chất lượng khảo sát xây dựng công trình
3. Quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình
2. Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình;
3. Quản lý an toàn lao động;
4. Quản lý máy móc, thiết bị thi công;
5. Quản lý khối lượng, tiến độ thi công xây dựng;
6. Giám sát thi công xây dựng; giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng;
7. Nghiệm thu công việc, giai đoạn hoặc bộ phận công trình, hạng mục công trình và công trình hoàn thành;
8. Kiểm tra công tác nghiệm thu;
9. Quản lý công tác lập, lưu trữ hồ sơ hoàn thành, bàn giao hạng mục công trình và công trình hoàn thành;