I. Sự cần thiết
Các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ với tổng mức đầu tư xây dựng dưới 15 tỷ không tính tiền sử dụng đất áp dụng phổ biến ở các địa phương cấp xã, phường, huyện. Các dự án này thông thường có sử dụng vốn đầu tư công, phần lớn do Ủy ban nhân dân cấp Huyện/Quận quyết định đầu tư và phân cấp cho các Chủ tịch xã/phường là chủ đầu tư và quản lý thực hiện dự án sau khi được phê duyệt. Ngoại trừ một số trường hợp do các phường/xã quyết định đầu tư thì xã/phường chịu trách nhiệm quản lý toàn diện từ chuẩn bị đầu tư tới kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng. Quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh rất chặt chẽ của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các Luật khác có liên quan.
Kinh nghiệm thực tế từ các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án tại nhiều địa phương những năm vừa qua chúng tôi nhận thấy có một số tồn tại sau:
Nhiều lúng túng, hạn chế trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ ở các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ công chức xã, phường vừa kiêm nhiệm quản lý hoạt động kinh tế xã hội ở địa phương, đồng thời là chủ đầu tư, quản lý dự án, do vậy hạn chế cả về thời gian và kinh nghiệm quản lý dự án. Việc chuyển giao trách nhiệm quản lý giữa giai đoạn chuẩn bị đầu tư với thực hiện dự án còn vướng mắc. Các dự án phần lớn là mở rộng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội hiện có, xuất hiện nhiều yếu tố đặc thù, phức tạp, cá biệt trong đầu tư xây dựng nhưng chưa được nghiên cứu, khảo sát kỹ ở giai đoạn chuẩn bị dự án, đặc biệt là Sơ bộ tổng mức đầu tư. Mặt khác, ở nhiều xã, phường trong cùng năm chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý đồng thời một số dự án độc lập, quy mô nhỏ nhưng khác về chủng loại, kỹ thuật và ở tại các vị trí khác nhau. Trong khi việc lựa chọn hình thức quản lý dự án ở nhiều nơi chưa thật sự hợp lý, các chủ thể tham gia quản lý dự án chưa nắm chắc quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt ở các trường hợp phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Một số nơi ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án, khoán toàn bộ cho tư vấn, buông lỏng công tác giám sát của chủ đầu tư dẫn tới nhiều tồn tại, khó khăn cho công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Điều 163 và 164 Luật Xây dựng có quy định về trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cho các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý. Mặt khác khoản 2 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có quy định chi phí đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án là một khoản mục chi phí hàng năm trong chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo, quy định về khung năng lực, vị trí việc làm các thành viên trong Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trong đó có điều kiện về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án (QĐ số 4931/QĐ- UBND ngày 27/07/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; QĐ số 2496/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên bái…)
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương thì nhu cầu về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng luôn có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tốc độ, do vậy việc chủ động nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết.
II. Đề cương chương trình
Mục tiêu của Chương trình này nhằm trang bị kiến thức pháp luật và chuyên môn cơ bản, có hệ thống, bám sát thực tiễn phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ. Quá trình thực hiện chú trọng về sự tương tác với đối tượng tham gia, cùng trực tiếp bàn luận, xử lý các tình huống thực tế phát sinh. Thời gian: 3 ngày; Đối tượng: Chủ đầu tư, các thành viên tham gia quản lý dự án ở các phường, xã và các đối tượng có liên quan. Đề cương Chương trình dự kiến như sau:
Chuyên đề 1. Tổng quan quản lý dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 15 Tỷ đồng.
I. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng
1. Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng
1.1. Tổ chức bộ phận chuẩn bị đầu tư
1.2. Khảo sát; Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng
1.3. Điều chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng
2. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng
2.1. Khảo sát xây dựng phục vụ lâp Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng
(Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng; Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; Thực hiện khảo sát xây dựng; Nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng)
2.2. Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo Kinh tế- Kỹ thuật đầu tư xây dựng
2.2.1. Tổ chức lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng
2.2.2. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng
2.3. Điều chỉnh Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình
II. Giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng
1. Hình thức tổ chức quản lý dự án
1.1. Quy định pháp luật về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1.2. Các hình thức quản lý dự án quy mô nhỏ, phạm vi áp dụng
1.2.1. Đặc điểm; các yêu cầu về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ cấp xã, phường
a) Đặc điểm, tính chất các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ cấp xã, phường
b) Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án
1.3. Mối liên quan, phối hợp giữa bộ chuẩn bị dự án với chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án cấp xã phường
1.3.1. Trường hợp Bộ phận chuẩn bị dự án là cơ quan chuyên môn trực thuộc quận, huyện
1.3.2. Trường hợp Bộ phận chuẩn bị dự án là cơ quan chuyên môn trực thuộc xã, phường
1.4. Lựa chọn hình thức, tổ chức quản lý dự án; đặc điểm, quan hệ và trách nhiệm các chủ thể trong quản lý dự án; các thuận lợi, khó khăn
1.4.1. Trường hợp lập ban quản lý dự án
1.4.2. Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án
1.4.3. Trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án
1.4.4. Trường hợp ký hợp đồng ủy thác ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực huyện quản lý dự án
2. Nội dung quản lý dự án, quản lý sử dụng chi phí quản lý dự án
2.1. Nội dung quản lý dự án
2.2. Nội dung chi phí quản lý dự án;
2.3. Quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án được phê duyệt
3. Quản lý thi công và giám sát thi công xây dựng công trình
4. Quản lý nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng
Chuyên đề 2. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng dự án quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 15 Tỷ đồng
1. Trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn đầu tư công
2. Nội dung và xác định Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng
3. Nội dung và xác định dự toán chi phí khảo sát xây dựng, chi phí lập Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật
4. Thẩm định, phê duyệt, điểu chỉnh dự toán chi phí khảo sát xây dựng, chi phí lập Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật
5. Nội dung và xác định dự toán xây dựng công trình trong Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật
6. Nội dung và xác định tổng mức đầu tư xây dựng của Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật
7. Thẩm định, phê duyệt, điểu chỉnh dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng của Báo cáo Kinh tế-Kỹ thuật
8. Quản lý định mức xây dựng (Áp dụng, vận dụng, điều chỉnh)
9. Quản lý đơn giá xây dựng (Vật liệu, nhân công, máy thi công)
10. Lập dự toán, giá gói thầu thi công xây dựng; lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng
11. Lập dự toán, giá gói thầu Giám sát thi công xây dựng; lựa chọn nhà thầu giám sát thi công xây dựng
Chuyên đề 3. Quản lý hợp đồng xây dựng
1. Quản lý hợp đồng khảo sát xây dựng phục vụ lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật
(Nội dung hợp đồng; loại giá hợp đồng và điều kiện áp dụng; tạm ứng, thanh toán hợp đồng; điều chỉnh hợp đồng; một số nội dung khác của hợp đồng)
2. Quản lý hợp đồng tư vấn lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật
(Nội dung hợp đồng; loại giá hợp đồng và điều kiện áp dụng; tạm ứng, thanh toán hợp đồng; điều chỉnh hợp đồng; một số nội dung khác của hợp đồng)
3. Quản lý hợp đồng thi công xây dựng
(Nội dung hợp đồng; loại giá hợp đồng và điều kiện áp dụng; tạm ứng, thanh toán hợp đồng; điều chỉnh hợp đồng; một số nội dung khác của hợp đồng)
4. Quản lý hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng
(Nội dung hợp đồng; loại giá hợp đồng và điều kiện áp dụng; tạm ứng, thanh toán hợp đồng; điều chỉnh hợp đồng; một số nội dung khác của hợp đồng)
Chuyên đề 4. Quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Quản lý chất lượng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng
1. Quản lý chất lượng Khảo sát phục vụ lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật
(Trình tự thực hiện, Nội dung quản lý; trách nhiệm quản lý, giám sát của chủ đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu khảo sát xây dựng, trách nhiệm của chủ đầu tư/ bộ phận chuẩn bị dự án)
2. Quản lý chất lượng lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật
(Trình tự thực hiện, Nội dung quản lý; trách nhiệm quản lý, giám sát của chủ đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu tư vấn lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật, , trách nhiệm của chủ đầu tư/ bộ phận chuẩn bị dự án)
3. Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình
(Trình tự thực hiện, Nội dung quản lý; trách nhiệm quản lý, giám sát của chủ đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình)
4. Quản lý chất lượng tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
(Trình tự thực hiện, Nội dung quản lý; trách nhiệm quản lý, giám sát của chủ đầu tư; trách nhiệm của nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình)
Tham khảo chi tiết các văn bản sau:
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Thông tư số 108/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công