Các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công ở các địa bàn cấp xã, phường đa phần là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, chủ yếu cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình hiện có nên dù quy mô nhỏ nhưng có nhiều đặc điểm, tính chất xây dựng phức tạp. Các dự án này có thể sử dụng nguồn vốn từ quận, huyện, đồng thời có trường hợp chỉ sử dụng nguồn vốn của xã, phường trực tiếp đầu tư. Quá trình triển khai thực hiện các dự án này chịu sự quản lý chặt chẽ của nhiều hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu. Quy trình thực hiện, kiểm soát chặt chẽ, qua nhiều bước. Tổng mức đầu tư thông thường dưới 15 Tỷ đồng (Không kể tiền sử dụng đất), theo quy định là Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình. Phổ biến các dự án có tổng mức đầu tư vài tỷ đồng, thậm chí có trường hợp dưới 1 tỷ đồng. Thời gian thực hiện kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến kết thúc xây dựng, bàn giao đưa công trình vào sử dụng thường trên 1 năm tới vài năm. Chủ đầu tư là các Chủ tịch xã, phường. Trường hợp chỉ sử dụng vốn Ngân sách xã thì Chủ tịch xã, phường đồng thời là Người quyết định đầu tư. Trong khi các Chủ tịch xã, phường còn đảm nhiệm nhiều chức trách quản lý nhà nước tại địa bàn quản lý. Mặt khác bộ máy công chức ở các xã phường cũng giới hạn và thực hiện các chức trách chuyên môn công chức khác nhau. Thực tế, qua công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý dự án ở nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công ở các xã, phường gặp rất nhiều bất cập, hạn chế.
Về hình thức quản lý dự án. Theo quy định pháp luật xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. Theo Điều 23 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hình thức quản lý dự án được áp dụng là Chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án. Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này để tham gia quản lý dự án. Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo quyết định của chủ đầu tư và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc đảm nhận. Trường hợp thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì giám đốc quản lý dự án không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề Quản lý dự án.
Như vậy ở các địa phương có triển khai đầu tư xây dựng, các chủ tịch xã, phường là chủ đầu tư, có trách nhiệm tổ chức bộ máy quản lý dự án theo hình thức nêu trên. Trong đó, ngoài các công chức có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm, thời gian phù hợp còn được thuê tổ chức, cá nhân tham gia quản lý dự án. Mặt khác từng dự án phải được quản lý, hạch toán độc lập, đáp ứng yêu cầu khi quyết toán vốn đầu tư xây dựng, có bộ máy quản lý phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Đặc biệt ở những địa phương có triển khai một số dự án trong cùng thời gian và tình trạng luân phiên, gối đầu. Với mỗi dự án bộ máy nhân sự cần tối thiểu 3 người gồm giám đốc quản lý dự án, cán bộ phụ trách kỹ thuật, cán bộ phụ trách kinh tế. Các cá nhân này phải có kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức pháp luật và xây dựng phù hợp. Một cá nhân có thể tham gia quản lý đồng thời ở một số dự án nhưng không được chồng chéo.
Về trách nhiệm chủ đầu tư và kinh phí quản lý dự án. Về trách nhiệm quản lý dự án của chủ đầu tư đã quy định chi tiết tại điểm a và b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Nội dung chi phí quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Đặc biệt chú trọng trong đó có khoản mục chi phí: Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án. Lý do, vì các dự án có quy mô nhỏ, cán bộ quản lý dự án thông thường kiêm nhiệm hoặc ký hợp đồng chuyên gia với chủ đầu tư, trong khi năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng có liên quan rất nhiều tới việc nắm vững kiến thức pháp luật đầu tư xây dựng, đầu tư công… và kiến thức chuyên môn phù hợp theo loại dự án. Trong khi các kiến thức này thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, cập nhật mới. Với các dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì định mức chi phí quản lý dự án quy định khoảng 2,9% Tổng mức đầu tư được duyệt.
Về phương thức quản lý chi phí quản lý dự án. Mặt khác việc quản lý, sử dụng, quyết toán chi phí quản lý dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP, Thông tư số 108/2021/TT-BTC. Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 8/12/2021 của Bộ Tài Chính về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công có quy định: “Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập (trừ Ban quan lý dự án chuyên ngành, Ban quan lý dự án khu vực): Thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư phê duyệt riêng dự toán thu, chi chi phí quản lý dự án để thực hiện…”
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc có lấy ý kiến của cơ quan quyết định đầu tư trước khi phê duyệt dự toán thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư và cơ chế tài chính theo quy định của đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Mặt khác ở các dự án quy mô nhỏ Ban quản lý dự án chính là bộ phận quản lý dự án trực thuộc ở từng dự án do chủ đầu tư (Chủ tịc xã, phường) ra quyết định thành lập
Về xây dựng quy chế quản lý hoạt động và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực quản lý dự án của bộ phận trực thuộc quản lý dự án. Việc xây dựng quy chế quản lý hoạt động quản lý dự án cần xuất phát từ thực tế hoạt động đầu tư xây dựng của các xã, phường, trách nhiệm chủ đầu tư và các thành viên trực tiếp quản lý dự án, mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị có liên quan và yêu cầu pháp luật trong quá trình triển khai các hoạt động xây dựng có liên quan. Mặt khác trong Quy chế cần chú trọng xây dựng các mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng và các mẫu biểu cần thiết khác. Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực quản lý dự án, các xã phường cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và chú trọng vào các chương trình thiết thực như: Quản lý dự án đầu tư quy mô nhỏ sử dụng vốn đầu tư công (Tổng quan quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng); Đấu thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu và Quản lý Đầu tư công. Hoạt động đào tạo cũng cần duy trì có lộ trình phù hợp và bổ sung, cập nhật mới. Đặc biệt chú trọng ở các địa phương đang từng bước đô thị hóa, thực hiện nhiều chương trình mục tiêu lồng ghép.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân, với nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp đào tạo tại các huyện bàn luận về chủ đề này. Chân thành cảm ơn sự quan quan tâm của các độc giả.