Hoạt động ICUE

Hội thảo Quy hoạch Hành lang xanh ven biển Cửa Đại, Hội An – Góc nhìn từ các bên liên quan về dự án

Ngày đăng: 09/12/2024

Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bảo vệ bờ biển Cửa Đại”, sáng ngày 5/12/2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch Hành lang xanh ven biển Cửa Đại, Hội An. Hội thảo là dịp để các chuyên gia quy hoạch, nhà thiết kế đô thị, các đơn vị quản lý, tổ chức môi trường, các bên liên quan trong việc bảo tổn không gian xanh bền vững cùng trao đổi ý kiến xoay quanh phương án quy hoạch hành lanh xanh ven biển Cửa Đại, Hội An.
 

Tham dự Hội thảo có ông Tống Văn Nga – Phó chủ tịch THXDVN; TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng, TS.KTS. Trần Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng; PGS.TS. Vũ Thị Vinh – Nguyên TKT Hiệp hội các Đô thị Việt Nam; Bà Anne Theuerkauf – Trưởng phòng hợp phần thích ứng và đa dạng sinh học thuộc tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ).

Xói lở bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cư dân cũng như các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển, các đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch…Vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế của Hội An.

Dự án “Hỗ trợ tăng cường phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại, TP Hội An” đã được ký kết giữa tổ chức Hợp tác quốc tế – Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) và Viện Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị với Mục tiêu Cải tạo hành lang xanh dọc ven biển Cửa Đại, hỗ trợ tăng cường giữ gìn dải cát ven biển bằng khu vực thảm xanh và đảm bảo đa dạng sinh học và đồng hành với các chương trình bảo vệ bờ biển của Tổ chức phát triển Pháp – AFD.

Theo bà Anne Theuerkauf đến từ tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), xói mòn là một vấn đề nghiêm trọng trên khắp bờ biển Việt Nam. Cửa Đại là một ví dụ nổi tiếng về điều này, từng gây ra những mất mát và thiệt hại quy mô lớn. Không gian xanh cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu. Ngoài việc ngăn chặn xói mòn, chúng còn góp phần điều hòa khí hậu, thanh lọc nước và không khí, và kiểm soát lũ lụt. Do đó, khôi phục hành lang ven biển xanh là một cách tiếp cận hợp lý và mang tính chiến lược để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại trong tương lai, đồng thời cô lập lượng khí thải carbon và thúc đẩy đa dạng sinh học tại địa phương. Đây sẽ là mô hình có thể tham khảo trên toàn quốc.

Chia sẻ về dự án, KTS Nguyễn Thanh Tâm – Đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và đô thị cho biết: Dựa trên những nghiên cứu về thực trạng, điều kiện khí hậu, môi trường sinh thái, lối sống của cư dân, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chia khu vực quy hoạch Hành lang xanh Cửa Đại có chiều dài 3,2 km thành 5 khu chức năng chính (hình 1), gồm:

  • Khu vực 1 (Bãi tắm Cửa Đại 2 – ký hiệu HLX1): Đây là khu vực bãi tắm công cộng được người dân sử dụng thường xuyên.
  • Khu vực 2 (Vườn Dược Liệu – ký hiệu HLX2 & HLX3): trồng các loài cây thuốc nam và các bảng biển thông tin giới thiệu đa dạng thực vật cho du khách thăm qua
  • Khu vực 3 (Công viên sinh hoạt cộng đồng trung tâm – ký hiệu CVST): khu vực công cộng dành cho các sinh hoạt vui chơi nghỉ dưỡng của cộng đồng như tập thể dục, đi dạo, các hoạt động tập thể như văn nghệ, hội chợ thường niên…
  • Khu vực 4 (Vùng đệm công viên sinh thái đa dạng sinh học – ký hiệu HLX4): khu vực giáp với khu bảo vệ sinh cảnh cho chim hoang dã, ưu tiên các loài bản địa và tái sinh tự nhiên.
  • Khu vực 5 (Đầm lấy đất ngập nước và khu bảo tồn chim – ký hiệu BVC): Khu vực khoanh vùng bảo vệ chim hoang dã, tạo điểm du lịch xem chim độc đáo của Hội An.

Giải pháp này đã nhận được rất nhiều ý kiến khen ngợi từ các chuyên gia, khách mời tham dự. Tuy nhiên, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, bổ sung cho dự án.

PGS. TS Vũ Thị Vinh – Nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội các đô thị Việt Nam: Dự án đã đánh giá được hiện trạng thực tế ven biển Cửa Đại, đặc biệt là tình trạng xói lở. Trên đó nhóm đã đề xuất được 3 nội dung: Xây dựng hành lang xanh với các thực vật phù hợp, bảo tồn động, thực vật hoang dã; Chia vùng phân loại khu vực, tham vấn chính quyền và địa phương – Đây là một nghiên cứu rất tốt; Từ hiện trạng, học tập kinh nghiệm quốc tế. Về việc phân khu chức năng 5 khu vực, cần làm rõ hơn, và thêm phần thiết kế công viên, để dự án có thể thực hiện tốt hơn khi đưa vào thực tiễn.

TS. KTS Trần Thị Lan Anh – Tổng Hội xây dựng Việt Nam: Dự án rất quan trọng trong việc thực hiện định hướng của chính phủ về việc xây dựng hành lang xanh khu vực ven biển. Dự án đã làm rất tốt với những đề xuất phòng chống xói lở, phân định được khu chức năng chính, đề xuất, bảo tồn, duy trì sinh học, bảo vệ động vật hoang dã và đề xuất vườn dược liệu và khu vực đệm. Tuy nhiên, việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phục hồi và làm giàu các không gian cần đề ra các giải pháp về cộng đồng và không gian sinh thái tốt, dễ tiếp cận.

PGS.TS.KTS. Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng: Nghiên cứu dựa trên hành lang xanh là một hướng đi rất tốt, tạo ra sự bền vững cho khu vực. Đồng thời việc nghiên cứu để tạo ra các không gian công cộng cũng có những ý tưởng thực hiện, những ý tưởng đã đi vào thực tế. Và chúng ta có thể nghiên cứu thêm việc kêu gọi các chủ đầu tư, chủ dự án, tham gia đóng góp vào dự án, đó sẽ là nguồn lực rất lớn cho dự án, vừa mang tới chi phí, vừa hưởng lợi ích từ dự án.

Ông Tống Vân Nga – Phó chủ tịch THXDVN bày tỏ sự hoan nghênh dự án, vì tính nhân rộng của dự án. Tuy nhiên, theo ông, để nhân rộng dự án, cần có thêm đề xuất quy hoạch tổng thể, các khu vực trên Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần có chương trình, gắn trách nhiệm của TP Đà Nẵng, TP Hội An và các tổ chức vào đó. Đồng thời phải có báo cáo đánh giá được hiệu quả dự án qua từng năm, cũng như quảng bá, truyền thông dự án.

TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị
 

Khép lại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp và nhận xét của các đại biểu tham dự hội thảo “Quy hoạch hành lang xanh ven biển Cửa Đại, Thành phố Hội An”. Bà cho biết, về nội dung chi tiết của Dự án sẽ được cụ thể hóa cho Hội thảo tiếp theo diễn ra vào ngày 6/12/2024.


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 25 , Tổng truy cập: 765769