Quy hoạch và phát triển đô thị

QUY HOẠCH LIÊN KẾT, PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỂ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

Ngày đăng: 20/03/2024

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô. Trong đó, Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước.
 Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô chủ yếu nằm ở chương V được quy định từ Điều 44 đến Điều 48. Quy định về Vùng Thủ đô là bước kế thừa, phát triển các quy định về Vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012 và các văn bản cụ thể hóa, thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước. Ảnh: Hồng Thái
Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước. Ảnh: Hồng Thái

Về mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng: Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước.

Hiện nay, Vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc Vùng Trung du miền núi phía Bắc (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội).

Chính quyền thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương các tỉnh tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng có trách nhiệm: Phối hợp, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; bảo đảm việc bố trí vốn và tổ chức thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng theo đúng tiến độ được phê duyệt; quản lý, duy tu, bảo trì đối với phần công trình thuộc chương trình, dự án sau khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nằm trên địa bàn của địa phương mình.

Cùng đó, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cùng ngân sách trung ương triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng trên địa bàn của địa phương mình.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc đề xuất, triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng trong từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này…

Phát triển định hướng giao thông công cộng trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Ảnh: Hồng Thái
Phát triển định hướng giao thông công cộng trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Ảnh: Hồng Thái

Để Hà Nội phát triển xứng tầm

Ngày 13/3/2024, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Về liên kết, phát triển vùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển Vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề xuất chỉnh lý các quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô theo hướng không quy định cứng về Vùng Thủ đô và Hội đồng điều phối vùng Thủ đô mà thay vào đó là xác định cơ chế liên kết, phát triển vùng.

Theo đó, việc liên kết, phát triển vùng của Thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng Thủ đô hiện nay mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác, khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc về quy hoạch với các vùng kinh tế - xã hội hiện đã được xác định.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là thành phố "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại". Để thực hiện cần có đồng bộ giải pháp: Từ nâng cao nhận thức về vai trò Thủ đô, phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và nhất là đổi mới cơ chế chính sách, xác định được đặc thù cho Thủ đô, về huy động nguồn lực phát triển, về quản lý phát triển đô thị, tái thiết đô thị, về phân cấp, phân quyền... và bước đi cần triển khai sau Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch chung được phê duyệt là đề xuất điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô.

Nguồn: Hồng Thái - kinhtedothi.vn


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 28 , Tổng truy cập: 269349