Tin ngành

LUẬT ĐẤU THẦU 2023 CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2024

Ngày đăng: 25/01/2024

(MPI) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu 2023 gồm 10 chương với 96 điều. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, thay thế Luật Đấu thầu 2013. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
 Luật Đấu thầu 2023 về cơ bản duy trì phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013, nhưng có 03 nội dung mới. Thứ nhất, Luật đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thứ hai, Luật đã xác định rõ phạm điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Thứ ba, Luật đã quy định cụ thể mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí và một số hoạt động mua sắm có tính đặc thù khác…

Luật hóa quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu hiện đang được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. 

Theo Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 quy định cụ thể các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm: Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu; Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu; Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế.

Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật; Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.

Các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm: Xếp hạng cao hơn cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau; Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định, dựa trên kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật và giá để so sánh, xếp hạng.

Cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá để so sánh, xếp hạng; Được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu; Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu./.

 


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 2 , Tổng truy cập: 269458