HỘI NGHỊ - HỘI THẢO

VỈA HÈ CÓ DÀNH CHO NGƯỜI ĐI BỘ ???

Ngày đăng: 04/12/2020

Hội thảo khoa học “Giao thông cho người đi bộ - sự tham gia của cộng đồng với ứng dụng công nghệ tại Hà Nội” đưa ra giải pháp quản lý vỉa hè, đảm bảo lối đi cho người đi bộ.

Một thực trạng chung ở hầu hết các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, câu chuyện hè phố cho người đi bộ luôn là vấn đề được xã hội quan tâm và có nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông đi bộ. Mục đích chính của hè phố là đường giao thông cho người đi bộ, kề cả cho người khuyết tật. Điều này đã được quy định rõ trong luật giao thông đường bộ, nhưng trong thực tế tại Hà Nội cũng như TP. HCM, rất nhiều nơi người đi bộ không có lối đi trên hè hoặc đi lại rất khó khăn, người khuyết tật càng không có cơ hội di chuyển trên hè phố.

Việc sử dụng hè phố không cho mục đích giao thông, đang diễn ra hầu hết trên các tuyến hè phố tại Hà Nội. Thành phố đã nhiều lần ra quân, cụ thể gần đây nhất là tháng 3-2017, Ban Chỉ đạo 197 của thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/BCÐ, nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, bảo đảm an toàn giao thông, văn minh đô thị. Tuy nhiên, đến nay, vỉa hè bị lấn chiếm trở lại vì hàng quán lộn xộn, các phương tiện lại để lộn xộn trên vỉa hè.

Hình ảnh vỉa hè một số tuyến phố sau một năm chấn chỉnh vỉa hè

 

Nhằm triển khai việc tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc hoàn thiện đề tài khoa học “Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hè phố có sự tham gia của cộng đồng với ứng dụng công nghệ tại Hà Nội”. Ngày 24/11/2020, Tổng hội Xây dựng Việt Nam  đã tổ chức hội thảo khoa học “Giao thông cho người đi bộ - sự tham gia của cộng đồng với ứng dụng công nghệ tại Hà Nội” với sự chủ trì của ông Phạm Thế Minh – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kiêm Tổng thư ký và TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị.

Một góc Hội thảo “Giao thông cho người đi bộ” ngày 24/11/2020

Với sự tham gia của 80 đại biểu đến từ các Bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu đào tạo, các Viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, kỹ sư. Đặc biệt, có sự tham gia của Bà Trần Thị Kiều Thanh Hà – quản lý dự án Thành phố sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND phường Đội Cấn; Ông Nguyễn Đăng Kiên - Hội người cao tuổi – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ người tiêu dùng Thăng Long; GS. TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng – Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội,… Hội thảo đã phản ánh được thực trạng, một số vấn đề bất cập trong việc sử dụng, quản lý vỉa hè đường phố và đề xuất giải pháp về quản lý sử dụng vỉa hè tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, thực trạng sử dụng vỉa hè, một số nguyên nhân về việc vỉa hè không được sử dụng cho người đi bộ và một số giải pháp khắc phục đã được đề cập, cụ thể như sau:

Nguyên nhân của những bất cập trong việc quản lý vỉa hè ở Hà Nội:

1. Thiếu quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trong phát triển đô thị: Năm 2019 trong phạm vi khảo sát 9 quận nội thành của thành phố Hà Nội, bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, và Hà Đông, thì đất dành cho đường giao thông chiếm tỷ lệ 13% đất đô thị, còn thiếu so với Tiêu chuẩn đất giao thông của đô thị loại đặc biệt  là 26% đất xây dựng đô thị. (Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 100/2019).

2. Theo Quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải đảm bảo tỷ lệ 20% - 26% diện tích đất dành cho giao thông và 3% - 4% dành cho giao thông tĩnh; vận tải khách công cộng phải đạt từ 50% - 55%. Tuy nhiên tính đến hết năm 2018, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt được khoảng 9,38%; đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; Như vậy, tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của Hà Nội đều thấp hơn rất nhiều so yêu cầu.

3. Phân cấp quản lý bị chồng chéo:

Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép sẽ là kẽ hở trong quản lý. Chỉ trên một đoạn vỉa hè, nhưng lại liên đới quá nhiều đơn vị, trong đó, cơ quan điện lực quản lý một phần, Sở Xây dựng quản lý một phần, công an phường lại quản lý một phần khác. Sử dụng hè phố hiện do ngành giao thông đảm trách, song việc quản lý sau cấp phép lại do các quận, huyện. Việc khập khiễng này gây khó khăn cho công tác quản lý của các quận, huyện cũng như cho người dân khi phải đến nhiều cơ quan xin phép sử dụng vỉa hè khi cần kinh doanh.

4. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị chưa có sự đồng bộ, thống nhất; chưa có giải pháp mang tính khoa học, chưa thấy có vai trò cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, chưa có chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức cá nhân.

5. Công quy hoạch phát triển thành phố tuy mặc dù đã xác định rõ các chỉ tiêu, quy mô đất dành cho giao thông, trong đó có diện tích dành cho vỉa hè. Tuy nhiên do tốc độ tăng dân số quá nhanh, việc thực hiện phát triển các khu đô thị mới ngay trong long nội đô lịch sử và các khu vực phụ cận, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố không theo đúng quy hoạch được duyệt đã dẫn đến tình trạng thiếu đất giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) nên chính quyền đã có các quy định sử dụng vỉa hè thay cho đất giao thông tĩnh như trên nhằm giải quyết tình thế.

GS. TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng – Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Một số kiến nghị                                                                

Bên cạnh các bài báo cáo tham luận của các diễn giả, gần 80 đại biểu tham gia đã đưa ra rất nhiều góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục các vấn đề bất cập của thực trạng sử dụng, quản lý vỉa hè. Ông Phạm Thế Minh – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổng kết lại các ý kiến đề xuất giải pháp như sau:

1. Cần xem xét điều chỉnh bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật như Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch về tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh;

2. Đánh giá tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh trong thiết kế đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị đã đúng quy định hiện hành chưa? Đã đáp ứng nhu cầu phát triển dân cư của đô thị đó theo các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn như thế nào?

3. Đánh giá về việc phát triển đô thị có đúng khả năng dung nạp dân cư (dân số dự báo), mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất theo quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch phân khu đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không?

4. Cần nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư sống trên các con phố trong khu vực thuận lợi cho các hoạt động thương mại dịch vụ và chính quyền đô thị cấp cơ sở trong việc thực hiện đúng các quy định của chính quyền về quản lý vỉa hè.

5. Phải sử dụng các giải pháp công nghệ để có cơ sở quản lý thực hiện các chế tài trong việc vi phạm các quy định quản lý vỉa hè của dân cư và các tổ chức có liên quan.

Các ý kiến của các chuyên gia trong hội thảo nhằm mong muốn hướng đến nâng cao chất lượng sống dân cư, bởi vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ là đảm đúng chức năng của nó, sẽ góp phần nâng cao sức khỏe người dân đồng thời giúp tăng cường sự kết nối giữ gìn bản sắc văn hóa đô thị,... Vỉa hè cũng là một loại không gian công cộng, được ví như bậc thềm của thành phố, khiến các con phố trở nên sinh động hơn, là nơi gắn kết xã hội và thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế phi chính thức (kinh tế vỉa hè).

Công tác quản lý các vỉa hè cho người đi bộ an toàn, dễ tiếp cận là cần thiết đối với tất cả các đô thị, không chỉ riêng Hà Nội. Đã là cư dân đô thị, mỗi người và cộng đồng cần nâng cao ý thức, bảo vệ và sử dụng “tài nguyên” này một cách hiệu quả, bền vững để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại./.

 

TS. Nguyễn Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị - Tổng hội Xây dựng Việt Nam.


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 67 , Tổng truy cập: 910094