Quy hoạch và phát triển đô thị

HÀ NỘI BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ KIẾN TRÚC

Ngày đăng: 20/01/2024

Quy định về quản lý quy hoạch đô thị của Hà Nội nêu rõ, việc quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn cần thống nhất trong trình tự thực hiện gắn với trách nhiệm và thẩm quyền từ bước lập, thẩm định đến phê duyệt.
 Ngày 02/01, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn Thành phố.

Quy định được ban hành liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị...

Theo đó, việc quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội cần đảm bảo thống nhất trong trình tự thực hiện gắn với trách nhiệm và thẩm quyền từ bước xây dựng danh mục, kế hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt, quyết toán và lưu trữ hồ sơ.

 Sự đa dạng của hình thái kiến trúc đô thị hiện nay của Hà Nội. Ảnh: Internet

Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố phải tuân thủ quy định của pháp luật, các quy hoạch cấp trên được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của thành phố.

Đối với các công trình thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Đối với các hồ sơ, đồ án đã hoàn thành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm quy định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây và theo chỉ đạo của UBND Thành phố, hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Cũng theo quy định, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý quy hoạch và kiến trúc theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý.

Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan trong việc rà soát cán bộ chuyên môn lĩnh vực quy hoạch kiến trúc; có kế hoạch kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế Phòng Quản lý đô thị cấp huyện theo quy định về khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính của UBND Thành phố, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm và thẩm quyền.

Trường hợp Phòng Quản lý đô thị không đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo.

Phối hợp với Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành có liên quan lập kế hoạch, triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết và phương án kiến trúc công trình khu vực được giao đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính, đất đai; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định hiện hành. Thực hiện quản lý tài chính, thanh quyết toán chi phí theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Kế hoạch triển khai thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Hà Nội vừa được UBND TP ban hành, định hướng kiến trúc đối với khu vực đô thị, TP sẽ phát triển kiến trúc đảm bảo hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật và đặc biệt chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử.

Nghiên cứu ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm đạt được tiêu chí “kiến trúc xanh”, từng bước tạo dựng không cảnh quan thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên. Đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc phù hợp với định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Đối với khu vực nông thôn, TP định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống; kế thừa và phát triển các hình thái, phong cách và chi tiết kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại.

Nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt tại địa phương.  

Kế hoạch cũng nêu định hướng phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong việc tham gia vào quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo lập, hoàn thiện môi trường cư trú tiện nghi và bền vững.

Nguồn Nguyên Phương - Tapchixaydung


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 2 , Tổng truy cập: 211381