Quy hoạch và phát triển đô thị

HÀ NỘI PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH CHÙM ĐÔ THỊ VỚI ĐÔ THỊ TRUNG TÂM VÀ CÁC THÀNH PHỐ, ĐÔ THỊ VỆ TINH

Ngày đăng: 02/04/2024

Hà Nội dự kiến phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, đô thị vệ tinh. Đồng thời xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển.
 Ngày 27/3, Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII đã xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô được kỳ vọng là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư và phát triển đột phá. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo giải trình về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, thành phố đã hoàn thành việc xin ý kiến, hoàn thiện các nội dung để trình hồ sơ thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo đúng quy định vào tháng 12/2023 và đã được Bộ KH&ĐT (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định) tiến hành Họp thẩm định, thông qua.

Hiện thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử, thấy rõ được tính đặc thù, làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống trong phát triển Thủ đô; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của văn hóa, con người, quan điểm phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa vào 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, như đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị, xây dựng hệ thống cầu vượt sông để phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng, nghiên cứu, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô ở phía Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc; phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Sắp xếp, phân bổ các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển dọc theo các tuyến hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây.

Trong đó, kết nối về phát triển chuỗi liên kết công nghiệp, kết nối phát triển du lịch; kết nối trong nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về khoa học công nghệ, nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

Có giải pháp tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là dịch vụ - thương mại, công nghiệp giá trị cao, đầu tư phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, công nghiệp sinh thái, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, giúp Hà Nội thực hiện vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc. Ứng dụng công nghệ số để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Đặc biệt, xác định các giải pháp thực hiện Quy hoạch, trong đó nhấn mạnh giải pháp về thể chế, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Quy hoạch sông Hồng thành trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông

Hà Nội tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án quy hoạch sông Hồng trở thành trục xanh, cảnh quan trung tâm. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án quy hoạch sông Hồng trở thành trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, quy hoạch cũng đã xác định rõ mô hình phát triển thành phố hai bên sông.

Cùng với đó, làm rõ hơn các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô.

Nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị đại học, đô thị sân bay, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, “đô thị 15 phút”…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đối với khu vực nông thôn, hướng đến xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí phù hợp theo hướng tiêu chí đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Xác định một số việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay như ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, với quan điểm tiếp cận, coi “quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”, Thành ủy Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa Quy hoạch, tập trung vào các điểm nghẽn, hạn chế trong quá trình phát triển cần những giải pháp đột phá để khơi thông; các quan điểm phát triển, quan điểm tổ chức không gian; các mục tiêu, nhiệm vụ, đột phá và tầm nhìn quy hoạch; các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình HĐND TP tại Kỳ họp lần thứ 15. Đồng thời, thành phố giao cơ quan lập Quy hoạch phối hợp với Bộ KH&ĐT thực hiện các bước quy trình, thủ tục trình xin ý kiến Quốc hội. Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng đang dự thảo các nội dung để báo cáo Bộ Chính trị vào đầu tháng 5/2024.

Nguồn: Tuấn Đông - tapchixaydung.vn

Trước đó, ngày 23/02, Bộ KH&ĐT đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.


Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 1 , Tổng truy cập: 209217