HỘI NGHỊ - HỘI THẢO

Đô thị Biển – Trung tâm kinh tế và du lịch

Ngày đăng: 04/12/2020

Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã được cấp phép đầu tư cho rất nhiều khu đô thị trên dải đất ven biển và trên các hòn đảo trong phạm vi lãnh hải, đây cũng có thể là tiền đề cho việc thành lập các đô thị biển trong tương lai...
          Trong quá trình phát triển đô thị, các đô thị ven biển đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh, tại Nghị quyết 36/NQ-TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, định hướng tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh; đảm bảo các khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng... 
         Nhận thức rõ vai trò của đô thị biển với xu hướng tiến biển của thế giới trong hàng trăm năm qua và hiện nay cũng như tương lai, ngày 30/9/2020 Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển”, hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ ngành, các cơ quan đào tạo, các Viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị. Một số quan điểm về hiện trạng và kiểm soát phát triển đô thị biển đã được nêu ra và thảo luận trong hội thảo, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổng hợp các vấn đề và kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng như sau:
          Đến năm 2020, cả nước có 839 đô thị, trong đó có khoảng 35 đô thị từ loại IV trở lên thuộc 28 tỉnh ven biển Việt Nam có vị trí gắn với biển (tạm gọi là đô thị biển) như Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Quảng Yên, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Kỳ Anh, Đồng Hới, Ba Đồn, Thuận An, Đà Nẵng, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, ,… thuộc các tỉnh ven biển Việt Nam, trong đó đảo Phú Quốc đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II và một số đảo trong tương lai có tiềm năng trở thành đô thị như Cát Hải, Vân Đồn, Côn Đảo,... 
 
 

Bản đồ phân bố các dải đô thị hoá ven biển miền Trung Việt Nam và mối quan hệ với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trên biển Đông (Nguồn https://ghslsys.jrc.ec.europa.eu/ucdb2018visual.php#) (màu đỏ là trung tâm đô thị hạt nhân, màu vàng và màu nâu là vùng đang tiến trình đô thị hoá)

 

Tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Phân loại đô thị, trong đó tại Điều 9 đã quy định về một số đô thị có tính chất đặc thù, gồm có: Đô thị là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo; đô thị ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia (loại III, IV, V) và đô thị ở hải đảo. Đối với đô thị ở hải đảo, Nghị quyết đã quy định tiêu chí “trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội tối thiểu đạt 30% mức quy định của loại đô thị tương ứng”.

Như vậy chúng ta đã có quy định của luật pháp đối với đô thị ở hải đảo, nhưng quy định riêng đối với các đô thị có bờ biển thì vẫn chưa được làm rõ. Về chức năng và động lực phát triển: Hiện nay du lịch, công nghiệp và đánh bắt chế biến thủy hải sản,… là các ngành kinh tế chủ đạo trong phát triển các đô thị ven biển, nhưng chúng chưa thực sự là động lực để các đô thị tăng trưởng về chất lượng và quy mô đô thị. 

Một số vấn đề của đô thị biển hiện nay:

- Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên nhưng chưa biến những lợi thế này trở thành cơ hội để phát triển kinh tế biển và đô thị biển.

- Hiện nay, tuy đã có quy định của pháp luật về đô thị hải đảo nhưng chỉ là quy định giảm các chỉ tiêu so với đô thị cùng loại, không nêu lên được những yếu tố đặc thù cần phải phát huy hoặc cần phải bảo vệ. 

- Các đô thị ven biển hiện nay đang được nhìn nhận như các đô thị đồng bằng, đô thị núi với tư duy phát triển tổng hợp đa chức năng, chưa thấy rõ tư duy phát triển các ngành kinh tế hướng biển là động lực phát triển của các đô thị có tiềm năng biển đảo;

- Vai trò của các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và cảng biển chưa thấy rõ là động lực cho phát triển đô thị biển.

- Chưa hình thành được các trung tâm kinh tế - tài chính lớn để tạo sức hút, làm nền tảng hạ tầng để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế biển, du lịch, dịch vụ,… và hệ thống cảng biển trong các đô thị biển.

- Về hình thái và bản sắc đô thị biển, nếu lược bỏ phần cảnh quan ven biển, các đô thị đó sẽ bị lẫn ngay vào vô vàn các khuôn mặt, dáng hình của các đô thị vùng đồng bằng. Việc làm mất đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa đô thị và cảnh quan tự nhiên... đã làm hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển.

- Chưa có chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể phát triển đô thị ven biển; trong quy hoạch phát triển đô thị biển chưa được lồng ghép với đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Chưa có quan điểm hướng biển trong định hướng, tổ chức phát triển không gian đô thị. 

Một số quan điểm kiểm soát phát triển:

Để tạo điều kiện cho các đô thị ven biển và đô thị hải đảo phát huy được các giá trị về lợi thế gắn biển, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam xin gửi đến Bộ Xây dựng một số kiến nghị  như sau:

- Bổ sung phát triển hệ thống đô thị biển đảo là nội dung lớn trong Điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2021 – 2045;

-  Sau khi Điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được cấp thẩm quyền phê duyệt, xây dựng một Chiến lược/ Chương trình phát triển đô thị biển gắn kết chặt chẽ với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của BCHTW Đảng.

- Trong quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị biển cần xác định yếu tố cốt lõi tạo động lực phát triển đô thị biển là một hoặc vài trung tâm kinh tế - tài chính - giáo dục đào tạo - y tế,… các ngành kinh tế du lịch - dịch vụ, song hành với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các khu dân cư để phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo;

- Bổ sung các quy định của pháp luật, làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và xây dựng phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo. 

Việt Nam có nhiều đô thị có vị trí gắn với biển nhưng chưa được quan tâm một cách đúng mức trong chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia nên chưa phát huy được hết các tiềm năng lợi thế sẵn có của chúng. Do vậy, cần thiết phải có chiến lược tổng thể phát triển đô thị biển trong định hướng phát triển đô thị quốc gia cũng như các giải pháp cụ thể trong quy hoạch phát triển các đô thị này./.

 

TS. Nguyễn Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị; Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.


 

Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (ICUE)
  • Đang truy cập: 8 , Tổng truy cập: 207068